Metaverse là gì? Trend ngắn hạn hay tương lai mới cho nền công nghệ?
Metaverse là gì?
Metaverse là một không gian ảo được tạo nên từ Internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (như kính VR hoặc các dụng cụ khác), nhằm giúp chúng ta có được những trải nghiệm chân thật nhất.
Không gian ảo đó như một thế giới tồn tại song song với thế giới thực tại. Trong thế giới này, với những công cụ hoặc tính năng các nhà phát triển cung cấp thì tất cả rào cản cho sự sáng tạo gần như được loại bỏ.
Nếu anh em vẫn đang khá mơ hồ với khái niệm trừu tượng này thì bộ phim “Ready Player One” chính là một ví dụ tiêu biểu về Metaverse.
Nguồn gốc & đặc điểm của Metaverse
Liệu Metaverse có phải là một thuật ngữ mới nổi lên trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày hôm nay?
Sự thật thì không phải như vậy, “Metaverse” đã được đề cập lần đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Snow Crash” của Neal Stephenson vào năm 1992, được mô tả là một nơi con người có thể tương tác qua lại với nhau thông qua không gian đậm chất cyberpunk.
Như vậy, thuật ngữ “Metaverse” đã được ra đời từ cách đây khá lâu (trước cả thời đại Internet). Bản thân từ Metaverse cũng được cấu tạo từ 2 từ đó là Meta (beyond hay là vượt lên) và Verse (trong universe hay vũ trụ). Do đó concept này có hàm ý “vượt lên vũ trụ hiện hữu”.
Một số đặc điểm của Metaverse có thể kể đến đó là:
- Sustainability: Khả năng duy trì và liên tục có những cải tiến về dịch vụ hay hệ sinh thái trong đó.
- Immersion: Mức độ chân thực của Metaverse (đặc điểm này trả lời cho câu hỏi liệu trải nghiệm của chúng ta trong Metaverse đạt được bao nhiêu % so với thực tế).
- Openness: Tính mở, có nghĩa là Metaverse cho phép người tham gia có thể kết nối hoặc ngắt kết nối bất kỳ lúc nào. Đồng thời đó phải là không gian mở cho phép những sáng tạo trở nên không có giới hạn.
- Economic System: Một hệ thống kinh tế song song với thực tế. Trong đó, người tham gia có thể dịch chuyển tài sản của mình giữa thế giới thực và Metaverse một cách dễ dàng, cũng như có thể dựa trên việc có những cải tiến sáng tạo đột phá trong metaverse để tích luỹ và gia tăng tài sản cho chính bản thân.
Các lớp Layer trong Metaverse
Có 4 lớp Layer cơ bản cấu tạo nên Metaverse bao gồm:
- Foundation Layer: Nền tảng cho sự kết nối, đó chính là mạng lưới Internet.
- Infrastructure Layer: Về cơ sở hạ tầng cho Metaverse, có thể kể đến các linh kiện phần cứng giúp chúng ta có những trải nghiệm chân thực. Ngoài các linh kiện phần cứng thì các công nghệ để hình thành lên metaverse cũng nằm trong Layer này (một số công nghệ có thể nói tới như là Blockchain, AI, Big Data,…).
- Content Layer: Trên Layer này chúng ta sẽ có những trò chơi, ứng dụng giúp người dùng đắm chìm trong một hoặc nhiều thế giới khác nhau, cho những trải nghiệm sống động nhất.
- True Metaverse: Đây là Layer cuối cùng của Metaverse, khi các Layer dưới phát triển tới một mức nào đó thì chúng ta sẽ có một Metaverse đúng nghĩa.
Trong quá trình phát triển, chúng ta có thể thấy được rằng, khi các Layer nền tảng được hoàn thành thì sẽ trở thành nền móng để các Layer trên đó tăng trưởng. Và trong quá trình phát triển đó, các Layer sẽ luôn được cập nhật cũng như phát triển liên tục, cụ thể như sau:
- Internet hiện tại đã rất phát triển, tuy nhiên các đơn vị nghiên cứu vẫn đang tiếp tục cho ra đời các công nghệ Internet khác nhau, ngày càng nhanh và tiện lợi hơn (điển hình có thể kể đến công nghệ 5G hiện nay).
- Trên Layer Internet, chúng ta có thể thấy Layer Infrastructure cũng đang phát triển rất mạnh mẽ, các ông lớn vẫn đang rất mạnh tay trong cuộc đua linh kiện phần cứng, cũng như các công nghệ nền tảng đang ngày một đi vào thực tiễn đời sống.
- Ở Layer Content, chúng ta có thể thấy những hình thái đầu tiên của Metaverse dưới dạng các tựa game, và Layer này vẫn đang chờ đợi sự hoàn thiện hơn nữa từ Infrastructure để có thể thật sự bùng nổ trong tương lai.
Lý giải cho sự phổ biến của Metaverse
Trong suốt quá trình phát triển trong lịch sử, con người luôn có những khát vọng về khám phá và chinh phục: Vượt qua những đại dương bao la, chinh phục đỉnh núi cao nhất, khám phá những bí ẩn trong vũ trụ,… Tuy nhiên, với rất nhiều rào cản về công nghệ và nguồn lực tài chính hay tài nguyên có hạn,… chúng ta không thể đáp ứng hết được các nhu cầu này một cách nhanh chóng.
Hiện nay, với sự phát triển vượt bật của Internet và công nghệ, dường như chúng ta đã tìm ra một giải pháp thay thế mới cho những vấn đề trên, đó chính là sử dụng Metaverse.
Đối với một Metaverse đúng nghĩa, chúng ta hoàn toàn có thể có những trải nghiệm và khám phá không giới hạn trong lúc chờ công nghệ phát triển để trải nghiệm thực tế.
Một ví dụ rất đơn giản đó chính là nhu cầu về việc khám phá vũ trụ của con người:
Du lịch vòng quanh thế giới hiện tại đã trở nên dễ dàng và phổ biến hơn rất nhiều đối với con người. Và dần dần, việc khám phá Trái Đất sẽ không còn hấp dẫn như trước nữa, mục tiêu chúng ta nhắm tới tiếp theo đó chính là vũ trụ.
Tuy nhiên, việc phát triển tên lửa cũng như các cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc khám phá vũ trụ hiện nay là rất tốn kém, mọi thứ mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm. Các rào cản về nguồn lực không theo kịp được nhu cầu.
Vậy chúng ta sẽ sử dụng giải pháp Metaverse để ghi nhận trải nghiệm vũ trụ dựa trên các lần thử nghiệm. Các công cụ thực tế ảo tăng cường sẽ tạo nên cảm giác gần gũi và chân thực nhất đối với con người.
Kết quả là với Metaverse, giờ đây chúng ta đã có thể có những trải nghiệm khám phá vũ trụ gần với thực tế nhất, với mức chi phí rẻ hơn rất nhiều trong thời gian chờ đợi các rào cản trên được phá vỡ.
Ngoài ra, với khả năng sáng tạo không giới hạn trong Metaverse, con người sẽ có thêm rất nhiều cảm hứng cho những phát minh ngoài thực tiễn đời sống.
Đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay khi mà các quốc gia thực hiện chính sách giãn cách xã hội, thì Metaverse sẽ là một nơi rất lý tưởng để chúng ta có thể tương tác qua lại với nhau một cách chân thực nhất.
Một số ví dụ về Metaverse
Với giới hạn về mặt công nghệ như hiện tại thì việc có được một trải nghiệm như trong “Ready Player One” là không thể. Tuy nhiên, nếu anh em chú ý thì hiện tại đã có rất nhiều các sản phẩm được xây dựng với concept Metaverse, đặc biệt có thể kể đến các tựa game như sau:
- Minecraft: Một tựa game thế giới mở, tại đây anh em có thể khai thác tài nguyên chế tác công cụ, xây dựng công trình và tạo ra thế giới riêng của mình cũng như tương tác với người chơi khác thông qua các tính năng và chế độ chơi khác nhau.
- GTA V: Ở trong chế độ chơi Multiplayer của tựa game, anh em có thể cùng nhiều người chơi khác tương tác qua lại, với rất nhiều các hoạt động trao đổi buôn bán hoặc giao tiếp khác nhau.
- Roblox: Một tựa game cho phép người chơi sáng tạo dựa trên nhiều công cụ được nhà phát triển cung cấp. Có hỗ trợ trải nghiệm với VR, lưu trữ dữ liệu trên Cloud. Và đặc biệt cung cấp một hệ thống economic incentives cho người chơi.
- Trong thị trường Crypto cũng đang tồn tại khá nhiều ví dụ về Metaverse như Decentraland, The Sandbox,… Trong các tựa game, này anh em có thể tạo ra những thế giới của riêng mình, sở hữu tài sản thông qua NFT cũng như trao đổi buôn bán chúng qua Marketplace, …
Như vậy, có thể thấy rằng Metaverse vẫn đang phát triển và được nhiều người đón nhận rất mạnh mẽ, tuy nhiên, vẫn còn khá xa để chúng ta có thể thấy một Metaverse đúng nghĩa như trong “Ready Player One”, một số điểm hạn chế có thể kể đến như:
- Trải nghiệm vẫn chưa được chân thực do giới hạn về công nghệ thực tại ảo tăng cường.
- Khả năng tương tác hiện tại gần như không có đối với các tựa game non-blockchain (tài sản trong game này không thể chuyển qua game khác và gần như không thể tương tác với tài sản thật). Đối với blockchain game thì khả năng tương tác qua lại là có, nhưng vẫn chưa rõ rệt.
- Không gian vẫn còn khá giới hạn đối với khả năng sáng tạo của con người.
Tiềm năng đến từ một thị trường khổng lồ
Metaverse lớn như thế nào?
Với một tầm nhìn rất lớn đó là tạo ra một thế giới song song với thế giới hiện tại của Metaverse, thì anh em có thể hình dung được thị trường này sẽ lớn đến mức nào.
Hiện tại, số liệu mình thu thập được đã cho thấy tổng khối lượng tài sản trên toàn cầu vào cuối năm 2020 lên tới $418,300B (anh em có thể tham khảo tại đây). Do đó, nhìn chung đây là một thị trường rất khổng lồ và vẫn còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Tuy nhiên, đây là tầm nhìn rất xa trong tương lai, vậy các số liệu hiện tại ra sao? Đối với nền công nghiệp Metaverse, theo nghiên cứu đến từ LD Capital thì sẽ bao gồm 2 thành phần chính:
- Nền công nghiệp phần cứng: Bao gồm các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phần cứng (chip, linh kiện điện tử, các thiết bị thực tế ảo tăng cường, …) là cơ sở hạ tầng nâng cao trải nghiệm cho Metaverse.
- Nền công nghiệp nội dung: Là tất cả những nền tảng (chủ yếu là game) giúp chúng ta có thể đắm chìm trong Metaverse. Trong mảng này cũng có thể nhắc tới các mạng xã hội hoặc nền tảng chia sẻ như Youtube, Tiktok,… nhưng với một Metaverse đúng nghĩa thì mình cho rằng các nền tảng này sẽ tích hợp trực tiếp với game.
Đối với ngành công nghiệp phần cứng, theo nghiên cứu mình thu thập được từ The Business Research Company, trong năm 2020, ngành công nghiệp này trên toàn cầu có giá trị khoảng $862B với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 9.4%.
Đối với ngành công nghiệp Gaming, hiện nay ngành này đang có giá trị khoảng $170B.
Như vậy, dù Metaverse chưa thực sự phát triển theo hình thái đúng nghĩa của nó, nhưng những thứ đang tồn tại hiện nay đã có giá trị lên tới nghìn tỷ USD. Đó là chưa kể tới việc khi các sản phẩm về thực tế ảo tăng cường được phổ biến rộng rãi, đây sẽ là nền tảng cho thị trường Metaverse Gaming phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, với tầm nhìn “Beyond Universe” của Metaverse, rất có thể trong tương lai tất cả các tài sản ở ngoài đời sống sẽ được mang lên Metaverse để tạo ra một thế giới song song đúng nghĩa (thậm chí còn có thể vượt lên trên nó).
=> Từ đó dẫn đến việc ngành công nghiệp này hoàn toàn có thể đạt tới con số hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD.
Các ông lớn nghĩ gì về Metaverse?
Không phải ngẫu nhiên Metaverse có tiềm năng to lớn như thế. Ngoài việc giải quyết những nhu cầu trong thực tiễn đời sống thì nó còn phải thu hút được sự chú ý từ những ông lớn – những tổ chức có những nguồn lực dồi dào thì mới hiện thực hoá được tầm nhìn khổng lồ như trên.
Cái tên đầu tiên có thể kể tới đó là Mark Zuckerberg – Founder & CEO của Facebook.
Chia sẻ về metaverse, Mark cho rằng:
“Internet di động ngày nay đã có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của mọi người từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ. Vì vậy, tôi không nghĩ mục đích chính của Metaverse là để mọi người tham gia vào Internet nhiều hơn, mà là cho phép mọi người tham gia vào Internet một cách tự nhiên hơn”.
Đi cùng với đó là những động thái trong việc phát triển Metaverse, Facebook cũng đã đầu tư các thiết bị VR thông qua việc sở hữu Oculus để sẵn sàng hoàn thành những cơ sở hạ tầng phần cứng thiết yếu cho Metaverse vào những năm cuối của thập kỷ.
Ngoài Facebook, các gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft, Sony cũng đã cùng Facebook thành lập nên XR Association – một liên minh với tham vọng tạo nên tương lai của “Experiential Reality”.
Một cái tên khá nổi tiếng đó là Tim Sweeney – CEO công ty Epic Games, công ty đứng sau tựa game Fortnite, cũng đã chia sẻ góc nhìn về Metaverse. Ông cho rằng đây là một thị trường rất tiềm năng trong tương lai và cũng giải thích lý do tại sao vị CEO này muốn phát triển Fortnite thành Metaverse.
Ngoài ra, Tim Sweeney cũng đã chia sẻ về việc metaverse sẽ không tồn tại dưới dạng một thế giới chỉ do một công ty độc quyền tạo ra như trong “Ready Player One” mà sẽ bao gồm rất nhiều ứng dụng. Ông cũng đề cập đến nhu cầu về khả năng tương tác giữa các thế giới khác nhau trong metaverse.
Trong thị trường Crypto, chúng ta cũng có những quan điểm được chia sẻ từ nhà phát ngôn của Decentraland – Dave Carr.
Theo đó, Dave đề cao về tính phi tập trung của Metaverse, cho rằng tính decentralized phải được đề cao để người dùng thỏa sức sáng tạo và có quyền thực sự sở hữu những thứ họ có được trong metaverse.
Tại sao Blockchain là nơi lý tưởng để phát triển Metaverse?
Trên thực tế, Metaverse có thể được thiết lập trên nền của rất nhiều lại công nghệ khác nhau. Tuy nhiên, trong một thế giới đề cao sự sáng tạo không giới hạn, tương tác, tính tự do phân quyền như Metaverse thì dường như Blockchain sẽ là một trong những công nghệ then chốt của thế giới này.
Mình sẽ giải thích cho anh em tại sao ngay dưới đây!
Blockchain là chìa khoá cho một Metaverse đúng nghĩa
Khi nhìn vào một Infographic của Jon Radoff về Metaverse dưới đây, anh em có thể phần nào giải thích được tại sao.
Có thể thấy ở trong hình, ngành công nghiệp Metaverse đang có sự tham gia của rất nhiều công ty công nghệ, bao gồm cả phần cứng, lẫn phần mềm, blockchain, gaming, …
Như mình đã mapping out ở bên trên, lớp Content Layer là những hình thái gần nhất với Metaverse, hiện tại chỉ có sự góp mặt chủ yếu từ những công ty công nghệ Centralized như Google, Facebook, Twitter, Netflix,… hoặc những cái tên trong mảng Gaming như Playstation, Fortnite, Roblox, Unity,…
Một vấn đề có thể thấy rõ ràng trong các nền tảng này đó là gần như không có khả năng tương tác với nhau. Anh em không thể di chuyển hoặc trao đổi một vật phẩm rất hiếm trong Fortnite để lấy một vật phẩm tương đương trong Minecraft được.
Ngoài ra, tài sản anh em đang sở hữu cũng không thực sự thuộc về anh em trong các tựa game này, điều này khiến cho tính cá nhân hoá & tính sở hữu không được đề cao. Và đôi khi chỉ cần một vài yếu tố ví dụ như luật pháp hoặc chính sách công ty tác động thì các vật phẩm này có thể biến mất khỏi tài khoản của anh em.
Và tất cả các bài toán kể trên có thể được giải quyết trên công nghệ Blockchain:
- Xét về khả năng mở rộng – Scalability: Các Blockchain hiện tại cho khả năng mở rộng rất lớn. Đặc biệt đối với Blockchain có concept dạng Internet of Blockchain như Avalanche, Polkadot hay Cosmos.
- Xét về khả năng tương tác – Interoperability: Tài sản trên các Blockchain khác nhau hoàn toàn có thể dịch chuyển qua lại thông qua công nghệ Cross-chain.
- Xét về tính cá nhân hoá – Ownership & Privacy: Điều này được biểu hiện rõ nhất thông qua NFTs – các token độc nhất và không thể được thay thế.
- Xét về tính bảo mật: Công nghệ Blockchain với tính bảo mật cao sẽ giúp tài sản trong không gian mạng của anh em tránh khỏi những đợt tấn công từ Hackers.
Ngoài các đặc tính kể trên, thì Blockchain & Crypto đã bước đầu tạo được một hệ thống kinh tế đơn giản với sự phát triển mạnh của DeFi. DeFi (hay Tài chính phi tập trung) đóng vai trò như một cầu nối trung gian để các hoạt động kinh tế này được thực hiện một cách dễ dàng. Anh em có thể hình dung một vài khía cạnh cơ bản như sau:
- Khi xuất hiện nhu cầu trao đổi buôn bán hàng hoá trên Metaverse, chúng ta đã có các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) hoặc chợ (Marketplace) hoạt động một cách phi tập trung và không cần tín nhiệm.
- Nhu cầu đối với việc chuyển tài sản qua các chuỗi khác nhau thì chúng ta đã có các Cross-chain Dapps.
- Nhu cầu vay vốn để thực hiện kinh doanh trên Metaverse thì đã có Lending Protocol.
- Hay với các ứng dụng thanh toán như Payment Dapps thì chúng ta có thể dễ dàng chuyển tài sản từ thế giới thật ra và vào thị trường Crypto một cách dễ dàng.
- …
Như vậy, công nghệ Blockchain rất thích hợp cho việc phát triển Metaverse – một thế giới ảo song song, cho khả năng mở rộng và sáng tạo không giới hạn cũng như đề cao sự cá nhân hoá và phân quyền.
Vốn hoá thị trường Crypto hiện nay lên tới hơn $2,000B cùng với hàng trăm tỷ USD TVL trong các nền tảng DeFi, chưa kể đến giá trị vô cùng lớn đến từ thị trường NFT và vô vàn các Dapps khác nhau. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng công nghệ Blockchain sẽ là một trong những công nghệ chủ chốt để xây dựng Metaverse.
Những mảnh ghép cần thiết cho sự phát triển của Metaverse trong Crypto
Ở lớp nền tảng đó là các Blockchain, đặc biệt là các Blockchain cho khả năng mở rộng cao và thiết kế với Concept Internet of Blockchain như Polkadot, Avalanche, Cosmos. Hoặc cũng có thể là các Blockchain với khả năng mở rộng cao như Solana, Near và khả năng lưu trữ cao như Mina, …
Lớp tiếp theo đó chính là các Dapps được build trên nền của các Blockchain. Đó có thể là NFT, các Dapps xây dựng theo hướng Metaverse Gaming thuần như Decentraland và The Sandbox. Hoặc chỉ cần đơn giản là các nền tảng DeFi phục vụ cho sự phát triển của Metaverse-Economy sau này.
Và cuối cùng đó chính là các cầu nối Cross-chain giúp cho các hệ sinh thái metaverse được liên kết với nhau. Ở lớp này, khả năng sáng tạo, mở rộng và tương tác sẽ được đẩy lên tới mức tuyệt đối.
Hiện tại đối với Metaverse trên Crypto, chúng ta có thể thấy rằng nó chưa thực sự phát triển bởi các lý do sau:
- Layer nền tảng chưa phát triển hoàn chỉnh. Hiện tại hệ sinh thái lớn nhất là Ethereum, tuy nhiên Blockchain này đã cho thấy được nhiều nhược điểm về tốc độ giao dịch cũng như khả năng mở rộng.
- Các Blockchain với Concept Internet of Blockchain mới chỉ có những bước đầu trong việc tạo nên một hệ sinh thái.
- Các Dapps Gaming thuần Metaverse hiện tại như Sandbox hay Decentraland vẫn chưa thể cho những trải nghiệm mượt mà được như các game truyền thống.
- Ngoài ra, đối với Cross-chain thì hiện tại công nghệ này vẫn chưa hoàn chỉnh, bằng chứng đó là chúng ta có thể thấy được rất nhiều vụ hack liên quan đến Cross-chain thời gian gần đây.
Dự phóng về Metaverse
Vẫn là một concept thuộc về tương lai
Tuy công nghệ thông tin đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, nhưng hiện tại Metaverse vẫn chỉ là một concept thuộc về tương lai, và đây chưa phải là thời điểm để bùng nổ.
Bằng chứng đầu tiên nằm ở việc chúng ta có thể thấy hiện nay, các công cụ VR còn đang rất hạn chế và khá đắt đỏ trên thị trường. Đồng thời, các trải nghiệm hỗ trợ VR vẫn chưa phổ biến, cũng như các nhà phát triển cũng chưa mặn mà với việc phát triển VR do thị trường chưa thực sự lớn.
Số liệu về Market Size của công nghệ Virtual Reality Market trong năm 2021 ước tính đạt khoảng $22B (theo Grand View Research) – vẫn là một con số rất nhỏ so với tiềm năng khổng lồ mình đã phân tích bên trên.
Cũng theo đơn vị này ước tính rằng, tốc độ tăng trưởng kép của VR Industry sẽ rơi vào khoảng 18%/năm và đạt $70B vào năm 2028.
VR hardware là yếu tố then chốt và là nền tảng để có được Metaverse thực sự. Tuy nhiên, không phải khi VR phát triển xong thì Content Layer mới phát triển mà nó sẽ phát triển song hành và đợi thời điểm VR Hardware đạt đến độ chín mùi để có thể bùng nổ.
Bằng chứng đó chính là sự tham gia của rất nhiều các ông lớn công nghệ với tầm nhìn xây dựng nên Metaverse trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại:
- Facebook công bố tham gia vào Metaverse Industry.
- Với tầm nhìn xây dựng Metaverse, Epic games – công ty đứng sau tựa game Fortnite đã huy động $1B nâng giá trị công ty lên $30B.
- Trong tháng 6, Matthew Ball, một nhà đầu tư mạo hiểm đã thúc đẩy thành lập một quỹ ETF bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực Metaverse (phần cứng và phần mềm) như NVIDIA hay Roblox.
- …
Tóm lại, Metaverse là một ngành công nghiệp đầy hứa hẹn trong tương lai. Cùng với sự tham gia đầu tư mạnh tay đến từ các ông lớn công nghệ thì một thế giới ảo song song với thực tại sẽ là một tương lai không xa.
Các cơ hội đầu tư vào Metaverse
Dưới một tương lai rộng mở của Metaverse, Blockchain được kỳ vọng như một trong những công nghệ then chốt. Vậy cơ hội đầu tư của chúng ta nằm ở đâu?
Thứ nhất, các Blockchain nền tảng
Đặc điểm của các Blockchain này đó là:
- Phải có khả năng mở rộng phục vụ cho việc mass adoption.
- Phí giao dịch rẻ, nhanh và tính bảo mật cao.
- Khả năng lưu trữ lớn với sự phát triển và sáng tạo không giới hạn của con người.
Đây có thể là các Blockchain với concept Internet of Blockchain hoặc được thiết kế riêng cho việc phát triển NFT và Gaming. Trong mảng này mình có thể kể đến một số cái tên như Solana, Mina, Avalanche, Polygon, Cosmos, Near, Flow, Theta,…
Tuy nhiên, anh em cần chú ý thêm một số điểm sau:
- Hệ sinh thái và các Dapps được xây dựng trên Blockchain, cùng với tầm nhìn của đội ngũ phát triển có phải xây dựng Metaverse hay không.
- Các ông lớn trên thị trường sẽ chọn Blockchain nào để xây dựng Metaverse.
Thứ hai, các Dapps phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của Metaverse
- Đầu tiên có thể kể đến các Dapp Gaming thuần Metaverse như Decentraland hoặc The Sandbox.
- Các nền tảng Gaming thế giới mở hoặc có các công cụ phục vụ cho việc sáng tạo không giới hạn.
- Các NFT Marketplace.
- Các nền tảng DeFi, đặc biệt đối với các nền tảng cho phép di chuyển tài sản từ thế giới thật và Crypto Space.
Một số lưu ý đối với anh em đó là khi đầu tư vào các nền tảng Game, chúng ta cần phải “skin in the game” đúng nghĩa, phải chơi game và cảm nhận độ cuốn hút và độ mở của game. Đồng thời thị trường cũng rất quan trọng, cần phải thu thập được những dữ liệu về sự hứng thú của người chơi cũng như ai đứng sau nền tảng đó.
Thứ ba, đó chính là các Dapps cho khả năng Cross-chain và Interoperability
Đây là mắt xích rất quan trọng để kết nối các hệ sinh thái. Có thể kể đến các nền tảng Cross-chain Liquidity hoặc xa hơn nữa đó chính là Cross-chain NFT.
Và anh em cũng cần lưu ý rằng, Metaverse vẫn đang là một concept tương lai. Cùng với việc các Dapps về Metaverse như Sandbox và Decentraland vẫn chưa đủ sự hấp dẫn (theo cảm nhận cá nhân của mình). Do đó đây chưa phải là thời điểm bùng nổ mạnh mẽ của “Blockchain Metaverse”.
Trong quá trình chờ đợi các cơ sở hạ tầng phục vụ cho Metaverse hoàn tất, hoàn toàn có thể tồn tại rất nhiều những cơn sóng nhỏ khi các ông lớn ra những tin tức về Metaverse. Nếu anh em nhạy bén với thị trường thì sẽ có thể tận dụng những cơ hội này để gia tăng thêm tài sản trước khi sự bùng nổ thực sự diễn ra.
Tổng kết
Như vậy, qua bài viết mình đã cung cấp cho anh em những thông tin cơ bản về Metaverse cũng như tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ USD này.
Sự phát triển của công nghệ cũng như các tác động của dịch bệnh đã khiến concept với tuổi đời lên tới gần 30 năm trở thành chủ đề hot trong thời gian gần đây. Và với sự tham gia của các ông lớn công nghệ thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào tiềm năng của Metaverse.
Bên cạnh đó, Blockchain có thể sẽ đóng vai trò như một công nghệ then chốt trong quá trình phát triển của concept này. Tuy nhiên hiện tại đây vẫn còn là một khái niệm khá mới và cần thêm thời gian cũng như các cơ sở hạ tầng để thực sự bùng nổ trong tương lai.
Bài viết được mình thực hiện dựa trên những góc nhìn cá nhân cùng một số phân tích được mình tổng hợp lại từ nhiều nguồn nghiên cứu khác nhau, anh em có thể tham khảo thêm: LD Capital, The New York Times, Coindesk.
Vậy theo anh em, Metaverse có phải là một trend ngắn hạn hay thực sự là một tương lai mới trong quá trình phát triển của công nghệ? Hãy cùng comment xuống bên dưới hoặc tham gia nhóm tham gia group Doligo Insights để được trao đổi, thảo luận ý kiến cùng các admin và nhiều anh em khác nhé!
Đừng quên theo dõi chuyên mục Kiến thức đầu tư của Doligo Crypto để được cập nhật mọi kiến thức trong thị trường Crypto và những hướng dẫn sử dụng sàn giao dịch, ví lưu trữ hay các công cụ để phục vụ cho quá trình đầu tư Crypto lâu dài!